Từ Lũng Cú đến Đất Mũi
Từ Lũng Cú đến Đất Mũi
Ra mắt đầu năm 2013 tại Pháp – Ngày phát hành đầu tiên: 28.01.2013
Sách gồm có 502 trang, với tổng cộng 460 ảnh minh họa, tư liệu, in đen trắng, khổ sách 15 x 21 cm (A5), bìa sách in 4 mầu-offset, cán màng bóng, in và nộp lưu chiểu tại Pháp, Giá bìa: 30€ (+ 5€ phụ phí bưu điện gửi đi khắp các nơi trên thế giới)
ISBN: 978-2-9536096-5-3
Từ Lũng Cú đến Đất Mũi là ấn tượng, cảm xúc qua những hành trình xuôi ngược Việt Nam của một người xa quê đi ngắm cảnh ngắm người. Lang thang trên những nẻo đường đất nước từ điểm cực Bắc xuống điểm cực Nam, ngang qua điểm cực Đông, đi chưa tới, về chưa đến, còn rất nhiều nơi chưa có dịp đặt chân lên, nên cuốn hồi ký này nhất định là còn nhiều giới hạn. Có khi đi như cưỡi ngựa xem hoa, có khi thân mật gần gũi tùy nơi, tùy cảnh, tùy người. Cái lang thang đó thật ra là một hạnh phúc rất lớn trong đời. Tôi vừa đi đường vừa viết. Tối về phòng khách sạn tôi phải viết lại nhanh từ những mảnh viết nháp những gì đã thấy, đã cảm trong ngày, khẻo lại quên mất.
Đi lần đầu nhìn không kỹ, hiểu không thấu. Đi lần thứ hai lại khám phá thêm cái mới. Có nơi còn muốn trở lại. Có nơi tôi biết, tôi chỉ đến đây một lần duy nhất, hoàn toàn tùy theo cảm nhận. Như thể có nơi đất giữ chân mình lại, có nơi đất đuổi tôi đi. Chưa khi nào tôi có cảm giác rằng mình đã hiểu thấu đáo một nơi nào, đất và dân, mà còn rất nhiều điều tôi phải học thêm nữa. Nếu có bạn đọc cho rằng nhận xét của tôi còn hời hợt, phiếm diện…là cũng đúng. Có người đã viết, « những cảnh trí xinh đẹp hùng vĩ đó chỉ là những bức tranh không hồn » (Tác giả Trương Minh Đạt). Hãy xem cuốn sách này là một câu chuyện phiếm « mua vui chỉ được một vài trống canh » ghi lại vài nét của xã hội Việt Nam cho đến năm 2012.
Nước Việt từ Bắc chí Nam rất giàu có về đặc sắc văn hóa, tập tục xã hội, truyền thống. Những làng nghề thủ công sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo từ đúc đồng, làm nón lá, dệt lụa, dệt chiếu, làm thuyền thúng, làm giấy, gốm sứ, may thêu, làm bún, làm miến, làm bánh tráng, nấu rượu…những điệu hát câu hò, điệu múa dân gian, truyền từ đời này sang đời khác như ca trù, hát văn, quan họ, hát bài chòi…, cho đến các lễ hội truyền thống tưởng nhớ những vị anh hùng dân tộc tại các khu vực đền thờ là những di sản tuyệt vời của người Việt. Đền, chùa, nhà thờ, đình làng, miếu, miễu…có rất nhiều, đi xem không hết. Hình như mỗi người dân Việt đều có gắn bó với một nơi chốn thờ phượng tâm linh nào đó. Cũng như, kỷ niệm tuổi thơ của tôi gắn liền với Lăng Ông Bà Chiểu (Sài Gòn), nơi tôi theo chân ba tôi đi xin xâm mỗi đêm giao thừa.
Mảnh đất chữ S nằm bên bờ biển Đông đã từng chịu nhiều sóng gió trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chắc chắn rằng những sóng gió ấy chỉ tạm dừng, không thể hết được, thỉnh thoảng sẽ lại nổi lên. Người ta thèm cái đất Việt có nhiều nguồn tài nguyên, có hơn ba ngàn cây số vòng biển xanh với nhiều hải cảng, bãi cát trắng, người ta thèm con người Việt không chịu quy phục ai, đó là cái hãnh diện của mình, sóng gió nào rồi cũng qua, theo quy luật tiến thoái của lịch sử, của đất trời.
Nước Việt nhiều biển, nhiều núi, nhiều cao nguyên, nhiều sông, nhiều đồng bằng trải dài trên gần 8 vĩ tuyến (từ vĩ tuyến 8°27′ – 23°23′ Bắc, khoảng rộng nhất có 3 kinh tuyến từ 102°8 – 109°27′ Đông), chứa đựng nhiều khu vực khí hậu khác nhau. Lũ, lụt thì không có năm nào mà thiếu ! Nhưng sướng nhất vẫn là miền Nam nắng ấm, chỉ có hai mùa mưa nắng, người Sài Gòn mới có 25°, 26° đã kêu « lạnh », mặc hai ba lớp áo, khổ nhất vẫn là từ Huế trở ra cho đến Lũng Cú, chỉ có vài tháng ấm không mưa không gió không sương không lạnh, khi trời buốt giá thấu xương thì chỉ có một chậu than hồng nho nhỏ cho hơi ấm.
Bạn tôi thường hỏi, thế chị đã đến nơi này, chỗ ấy chưa ? Câu trả lời « chưa » đều làm cho ai cũng vui cười, có thế chứ, làm sao mà đi hết nước Việt Nam được. Còn rất nhiều nơi chốn mà tôi chưa được đặt chân đến, tôi chỉ mới đi vòng biển, chưa đi vòng núi và những cao nguyên của rặng Trường Sơn, cũng như chưa ra được đến các đảo ngoài khơi như Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu, Cát Bà…, còn thiếu sót nhiều lắm.
Ấy vậy mà đã mười năm rồi tôi ôm ấp cuốn « Từ Lũng Cú đến Đất Mũi », thúc đẩy từ vài chữ của người nhạc sĩ họ Trịnh «Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm…», cứ mỗi lần đi lại viết thêm được một chút. Một số bài đã được trích đăng trên báo chí và tạp chí Hồn Việt, Quê Hương, Việt Nam News, Outlook (tạp chí hàng tháng của Việt Nam News) , trên mạng, nên khi tổng hợp các bài viết trong nhiều chuyến đi, trong những khoảng thời gian khác nhau, tôi đã chú ý bổ sung, biên tập và sửa chữa những thiếu sót theo dòng thời sự. Có những việc mà năm 2012 đã thấy có thay đổi so với những năm trước. Có những việc chưa thấy thay đổi gì cả. Có những việc cần phải thay đổi cấp bách. Theo quy luật và kinh nghiệm tiến hóa của xã hội loài người, xã hội nào cũng phải có thay đổi theo đà tiến bộ chung của thế giới, trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật và văn hóa. Dù mức độ thay đổi chậm, hay rất chậm, nhưng phải có thay đổi thì mới tồn tại được. Không ai đứng lại, hay lùi, mà lại có tiến lên.
Thoạt tiên, tôi dự định « Từ Lũng Cú đến Đất Mũi » gồm có ba chương « Việt Bắc một mùa xuân » – « Thương về miền Trung » và « Miền Nam quê hương tôi ».
Cuốn sách Việt Bắc một mùa xuân đã được xuất bản năm 2011 tại Pháp, số ISBN 978-2-9536096 .
Nhưng thật ra tôi cũng còn vài điều muốn kể về miền Bắc, nên cuốn sách này tiếp nối kể chuyện về những chuyến đi thăm đất nước ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam.
Điều hạnh phúc lớn nhất của tôi là được các bạn bè, người thân, đến có người đón, đi có người đưa, chia sẻ, khuyến khích, động viên, tiếp đãi, giúp tôi về nhiều mặt, vừa vật chất vừa tình cảm, mà một lời khuyên, một lời góp ý của các anh chị cũng như của người bạn đồng hành là một duyên may hội ngộ rất lớn. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành và tình cảm nhất của tôi đến tất cả bạn hữu thân thương trên cả ba miền Bắc Trung Nam.
Và, giờ đây xin mời bạn đọc cùng lên đường.
Mathilde Tuyết Trần, Lataule tháng 12 năm 2012
Mục lục
- Hình ảnh Hà Giang – Lũng Cú 3 – 12
- Thay lời tựa 13 – 44
- Hà Nội Việt Nam 45 – 56
- Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm… 56 – 69
- Đường đê Yên Phụ, đường lụa Hàng Gai 70 – 75
- Tết ở Hà Nội 76 – 91
- Đưa nàng Mỵ Châu về lại Cổ Loa Thành 92 – 100
- Tết về thăm Mê Linh 101 – 116
- Một chuyến về quê 117 – 132
- Quê ngoại 133 – 134
- Ninh Bình – Thanh Hóa 135 – 150
- Vinh – Hà Tĩnh – Vĩ tuyến 17 151 – 162
- Một cuối năm ở Huế 163 – 184
- Cố đô Huế 185 – 196
- Về thăm lăng Gia Long 197 – 212
- Huế với Quang Trung và Huyền Trân 213 – 219
- Lâu đài trên cát ở An Bằng 220 – 225
- Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Lai 226 – 240
- Bình Định – Quy Nhơn 241 – 254
- Mấy ai biết đến An Nhơn 255 – 265
- Ghềnh đá đĩa Phú Yên 266 – 271
- Miền Trung đáng yêu 272 – 282
- Bình minh trên Thành phố 283 – 306
- Tết ở Sài Gòn 307 – 321
- Tiếng mưa rơi 322 – 328
- Chợ 329 – 339
- Chuyên chở để sống 340 – 351
- Giấy – An toàn và cần thiết 352 – 370
- Về miền Tây! Ôi miền Tây ! 371 – 383
- Lộc Ninh, vườn địa đàng cây trái 384 – 392
- Une pierre de banque 393 – 398
- Một cây mít, một cây xoài…Sa Đéc 399 – 418
- Đường đến Cà Mau 419 – 431
- Ánh sáng trên Đất Mũi 432 – 444
- Rạch Giá – Hòn Đất – Hòn Chông 445 – 461
- Hà Tiên 462 – 472
- Nét đẹp Phú Quốc 473 – 486
- Thay lời kết 487 – 495
Từ Lũng Cú đến Đất Mũi
Hồi ký du lịch
Viet Nam du Nord au Sud, de Lung Cu à Dat Mui
Récit de voyage
© Mathilde Tuyet Tran, France 2013
ISBN 978-2-9536096 -5-3
EAN 9782953609653
Thiết kế bìa sách: Nguyễn Viết Dũng – ART Design – Thành phố Thái Nguyên, Việt Nam
Ảnh: Mathilde Tuyet Tran, Cô bé Xu A, Huế
Bạn đọc có thể đặt mua sách qua mục gửi bình luận (gửi commentaires) trong trang Contact/Publications
Commentaires fermés